6 thương hiệu "thuận nước đẩy thuyền" thành công nhất trong mùa dịch
6 thương hiệu "thuận nước đẩy thuyền" thành công nhất trong mùa dịch

06-08-2021

Theo khảo sát của EY Future Consumer Index (EY FCI) về hành vi tiêu dùng, có đến 89% người tiêu dùng sẽ thay đổi cách thức mua sắm và 50% người chỉ chi tiêu cho một số sản phẩm dịch vụ thiết yếu. Số liệu này cho thấy người tiêu dùng có xu hướng thay đổi từ quan điểm về giá trị, hành vi đến mức chi tiêu trong bối cảnh đại dịch. Sự thay đổi này diễn ra với tốc độ nhanh chóng, buộc tất cả thương hiệu phải hành động để thích ứng. 

 

Marketing Dive đã thống kê các chiến dịch quảng cáo sáng tạo, giúp giải quyết những lo lắng và đáp ứng nhu cầu người dùng trong nửa đầu năm 2021. Cùng Advertising Vietnam điểm qua 6 chiến dịch tiêu biểu nhất trong các thông tin dưới đây.

 

1. Pepsi đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ trực tuyến với nhà hàng ảo

 

Tháng 05/2021, Pepsi chính thức ra mắt Pep's Place, một nhà hàng ảo cho phép người tiêu dùng chọn đồ uống yêu thích của họ trước khi nhận đề xuất về các món ăn kèm. Trong vòng 30 ngày, người dùng có thể truy cập vào PepsPlaceRestaurant.com hoặc các ứng dụng giao đồ ăn như DoorDash, GrubHub để trải nghiệm dịch vụ mới lạ.

 

Động thái này đã cho thấy khả năng nắm bắt xu hướng của thương hiệu. Bởi theo dữ liệu của Euromonitor được trích dẫn bởi Pepsi, xu hướng nhà hàng ảo đã gia tăng vì theo đại dịch và được kỳ vọng đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới. 

Nhà hàng ảo của Pepsi nổi bật với thông điệp

“Where the cola comes first”

 

Để quảng bá cho Pep’s Place, thương hiệu đã phát động chiến dịch "Better With Pepsi", bắt đầu bằng chuỗi video quảng cáo 16 giây kích thích vị giác và thính giác của người xem. Trong những đoạn quảng cáo trước đây, các món ăn nhanh luôn được ưu tiên vị trí nổi bật nhất trên thực đơn cùng những thước phim cận cảnh và hiệu ứng slow-motion. Tuy nhiên, video lần này lại mở màn bằng việc mở một lon Pepsi, sau đó mới thưởng thức các món ăn như bánh mì kẹp thịt xúc xích, sườn nướng, cánh gà cay hay miếng bánh nachos giòn rụm,... Qua đó, nhãn hàng gửi gắm thông điệp chỉ cần dùng bữa với Pepsi, tất cả các món ăn đều trở thành món “tủ”.

 

Pep's Place đã tạo ra một trải nghiệm ưu tiên đồ uống, đảo ngược thói quen của hầu hết người dùng là đặt đồ ăn trước và chọn thức uống sau. Đây cũng là nơi để Pepsi giới thiệu toàn bộ dòng sản phẩm đến người dùng, bao gồm Pepsi, Pepsi Diet, Pepsi Zero Sugar, Pepsi Real Sugar, Pepsi Wild Cherry, Pepsi Zero Sugar Wild Cherry, Pepsi Mango và Pepsi Zero Sugar Mango. 

 

Thực đơn “đảo ngược” của Pep’s Place tạo trải nghiệm mới

cho người dùng

 

2. McDonald's khai thác thành công văn hóa Stan

 

“Stan” là từ diễn tả những người hâm mộ cuồng nhiệt và luôn ủng hộ cho thần tượng của mình. Sau hơn 20 năm xuất hiện, những cộng đồng Stan phát triển vô cùng mạnh mẽ và tạo nên văn hóa gắn liền với những hoạt động đời sống. Nắm bắt được xu hướng này, McDonald's đã hợp tác cùng nhóm nhạc BTS trong chiến dịch giới thiệu menu giới hạn đến người dùng toàn cầu. 

 

Thực đơn từ BTS tại hệ thống McDonald’s Việt Nam

 

Trong chiến dịch lần này, McDonald's gần như không phải thêm một nguyên liệu hay thực đơn mới nào. Thay vào đó, thương hiệu giới thiệu phần ăn truyền thống nhất gồm burger, gà nugget, khoai tây chiên,... Nhưng với danh tiếng của BTS, phần ăn truyền thống này đã trở thành thực đơn được săn đón nhất của đông đảo người hâm mộ trên toàn thế giới. Ngoài ra, màu tím đặc trưng của BTS đã được sử dụng cho các ấn phẩm truyền thông và chạy quảng cáo trên ứng dụng của mình để tương tác nhiều hơn với người hâm mộ. 

 

Nhiều hoạt động truyền thông khác cũng thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng hâm mộ BTS. Một trong số đó là sự ra mắt bộ sưu tập merchandise giới hạn mang đậm màu sắc của từng thành viên. Tất cả đều nhanh chóng “sold-out” và được rao bán lại với giá cao ngất ngưởng từ 600 USD (13.8 triệu đồng) đến 5000 USD (115 triệu đồng).

 

Thương hiệu đã bắt tay với nhóm nhạc để biến người tiêu dùng thành những nhà quảng cáo, truyền cảm hứng cho họ tự sáng tạo nội dung và lan tỏa niềm vui đến cộng đồng. Từ đó, McDonald’s tạo dựng mối quan hệ ý nghĩa, gắn bó và lâu dài với những người hâm mộ của thương hiệu, cũng là những người trẻ đang theo dõi BTS hằng ngày. 

 

3. Domino hồi sinh linh vật The Noid trong cơn sốt NFT 

 

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Pizza Hut giữa những năm 1980, Domino’s đã tạo ra linh vật The Noid - một kẻ xấu luôn ngăn cản việc giao hàng nhanh của thương hiệu. Với tạo hình thú vị, The Noid đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên thị trường lúc bấy giờ. Hình ảnh The Noid xuất hiện trên áo phông, trò chơi máy tính và trong bộ phim ca nhạc “Moonwalker” của Michael Jackson. Đến năm 1989, một người đàn ông tên Kenneth Lamar Noid đã dùng súng tấn công, bắt cóc và tống tiền 2 nhân viên trong cửa hàng Domino’s ở Georgia vì nghĩ rằng chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng đang tấn công cá nhân vào tên của ông. Sau 5 giờ giam giữ con tin, ông đã bị cảnh sát bắt. Dù không có ai bị thương trong cuộc tấn công nhưng Domino’s vẫn quyết định ngừng quảng bá nhân vật The Noid vào đầu thập niên 90. 

 

The Noid trong một TVC những năm 1980

 

Năm nay, Domino's và AOR WorkInProgress đã hồi sinh The Noid cùng những đặc điểm mới bắt kịp xu hướng thời đại số. The Noid vẫn đóng vai trò là linh vật của thương hiệu và xuất hiện trong các TVC cùng người máy giao hàng Nuro. Bên cạnh đó, để đưa hình ảnh The Noid đến nhiều công chúng hơn, thương hiệu đã chuyển đổi một số vật phẩm liên quan đến The Noid như “Máy nghiền Pizza”, “Máy đánh bóng Pizza”, “Bóng phong tỏa” thành các NFT (Non-fungible token) và bán đấu giá trên sàn giao dịch Rarible trong vòng 14 ngày.

 

Ra đời từ năm 2017, NFT đã trở thành mặt hàng khiến các nhà đầu tư “phát cuồng”. Đây là một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) tương tự như Bitcoin để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm nào đó. Các chuỗi mã này thường được dùng để định danh phiên bản số của các tác phẩm nghệ thuật, bài hát hay hiện tượng mạng có giá từ vài USD cho tới hàng chục triệu USD, đặc biệt là với những tác phẩm cao cấp.

 

Những vật phẩm của The Noid được chuyển đổi thành

chuỗi mã NFT

 

Nắm bắt được xu hướng đó, Domino's đã ứng dụng NFT vào hoạt động marketing của mình. Điều này xuất phát từ mối quan hệ gắn bó mật thiết của thương hiệu với công nghệ, bởi từ những ngày đầu thành lập, Domino’s đã chọn cách ứng dụng công nghệ vào giao hàng thay vì phục vụ khách hàng trực tiếp tại nhà hàng. Ngoài ra, The Noid vẫn là loại tài sản mang giá trị thương hiệu sau hơn ba thập kỷ đối với những người dùng khao khát hoài cổ, do đó sẽ thu hút được nhiều khách hàng tham gia mua các NFT và hồi sinh thành công The Noid. 

 

4. Budweiser sử dụng tiếp thị để khuyến khích tiêm chủng

 

Lần đầu tiên sau 37 năm, Budweiser - gã khổng lồ ngành bia đã quyết định không tham gia quảng cáo trong sự kiện đình đám Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ). Thay vào đó, nhãn hàng đã dành ngân sách quảng cáo trong năm nay để tạo chiến dịch thay đổi nhận thức của công chúng về vắc xin Covid-19.

 

Budweiser đã tung ra đoạn quảng cáo “Bigger Picture” nhằm ca ngợi những anh hùng trong tuyến đầu chống dịch. Thông điệp “biến sức mạnh của chúng ta thành hy vọng” đã được truyền tải một cách khéo léo bằng lời dẫn chuyện của nữ ca sĩ Rashida Jones trên nền nhạc “Lean on Me”. Nội dung quảng cáo còn thể hiện nỗ lực chống dịch trong suốt 1 năm qua và củng cố niềm tin về vắc xin, góp phần nâng cao ý thức chống dịch Covid-19 của người dân và kêu gọi chung tay phục hồi đất nước. 

 

Chiến dịch đã góp phần thay đổi suy nghĩ của công chúng về

vấn đề tiêm vắc xin Covid-19

 

Sau chiến dịch của Budweiser, hàng loạt nhãn hàng lớn cũng đã rút tên khỏi danh sách tài trợ Super Bowl để đầu tư vào những hoạt động cấp thiết hơn. Nhiều chuyên gia nhận định nhãn hàng đã thành công khi tác động tích cực đến cộng đồng. 

 

5. Dove góp phần xóa bỏ định kiến với chiến dịch chống vẻ đẹp “không thực”

 

Là một thương hiệu có nhiều hoạt động xã hội năng nổ, Dove tiếp tục sứ mệnh của mình bằng chiến dịch “Reverse Selfie”, nhằm chống lại những tác động tiêu cực từ văn hóa selfie đối với các bé gái tại Canada vào tháng 5/2021.

 

Trọng tâm của chiến dịch là một phim ngắn dài 60 giây của đạo diễn Benito Montorio, có tên là Reverse Selfie. Với hình ảnh chân thật mô tả vấn nạn lạm dụng selfie, phim ngắn đã nhận được nhiều bình luận tích cực của cộng đồng sau khi phát hành. Trong đó, phần lớn người dùng đồng cảm với việc bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào những chuẩn mực “ảo” trên mạng xã hội. 

 

Bộ poster cho thấy vẻ đẹp “không thực” là rào cản khiến phụ nữ không còn tự tin để thể hiện bản thân và tạo sự khác biệt so với những “khuôn mẫu” của xã hội

 

Thương hiệu hợp tác với Lizzo, nghệ sĩ đạt giải Grammy nổi tiếng với việc ủng hộ sự tự tin về cơ thể. Bằng việc đăng tải những tấm ảnh chân thật chưa qua chỉnh sửa, Lizzo đã tạo ra thông điệp chống lại những tác động tiêu cực của mạng xã hội và tuyên truyền vẻ đẹp tự nhiên. Kết quả, bài đăng của Lizzo đã nhận về hơn 2 triệu lượt thích trên Instagram và 46 nghìn lượt bình luận, thu thu cả sự ủng hộ từ những ngôi sao hạng A như Marc Jacobs và Jonathan Van Ness. 

 

Lizzo đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều cô gái tự tin đăng tải hình ảnh thật của mình trên mạng xã hội

 

Chiến dịch “Reverse Selfie’ là bước đi tiếp nối hành trình theo đuổi tầm nhìn về “Vẻ đẹp tích cực” (Positive Beauty) của công ty mẹ Unilever, thể hiện nỗ lực thay đổi những định kiến và kiến tạo những giá trị thiết thực cho cộng đồng của thương hiệu.

 

6. Mtn Dew và Coke chủ động cải tiến khi sản xuất bị hạn chế

 

Trong bối cảnh việc sản xuất quảng cáo bị hạn chế hơn 2 năm qua, Mtn Dew và Coke đã ứng dụng kỹ thuật số để tạo một chiến dịch hoài niệm, lan tỏa tinh thần lạc quan đến mọi người.

 

Về phía Mtn Dew, thương hiệu đã mô phỏng Bob Ross - họa sĩ quá cố được nhiều người yêu mến trong những năm 1990. Nhờ CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) và công nghệ lập bản đồ khuôn mặt, Bob Ross như sống lại để tiếp tục thực hiện chương trình “The Joy of Painting” của mình. Trong tập phim đặc biệt này, họa sĩ hướng dẫn cho người xem cách vẽ một chai Mtn Dew. Những cử chỉ chân thực cùng cách dẫn chuyện quen thuộc của Bob Ross đã khiến người xem không khỏi xúc động và nhớ về người họa sĩ quá cố cũng như chương trình một thời truyền cảm hứng cho thế hệ xưa.  

 

Coke cũng đã sử dụng công nghệ video tương tự để chèn hình ảnh kỹ thuật số của Coca-Cola vào những cảnh quay từ các giải Bóng rổ Đại học Vô địch Quốc gia Mỹ (NCAA) trước đây. Với tiêu đề "Unbelievable Double Take", thương hiệu tin rằng chiến dịch này sẽ giúp gắn kết những thế hệ với nhau và tôn vinh những khoảnh khắc đáng giá nhất của giải đấu.

 

Tận dụng những đổi mới trong công nghệ kỹ thuật số kết hợp với chủ đề hoài cổ, Mtn Dew và Coke đều chứng minh rằng các thương hiệu vẫn có thể sáng tạo bất chấp những hạn chế về sản xuất. 

 

Theo Marketing Dive

Linh Hà | Advertising Vietnam